Vào thời điểm giao mùa, xen kẽ những đợt nắng nóng và có mưa đầu mùa, ẩm độ trong đất thay đổi, bên cạnh đó, do thời tiết thay đổi đột ngột từ nắng nóng sang mưa, làm cho cây rau dễ bị sốc trong quá trình hấp thụ nước và dinh dưỡng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây. Điều này dễ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại tấn công. Để giúp nông dân trồng rau có biện pháp quản lý sâu bệnh đạt hiệu quả cần áp dụng các biện pháp sau:
1. Biện pháp canh tác
1.1. Chuẩn bị đất, lên liếp kỹ
- Vệ sinh dọn sạch tàn dư, xác bã thực vật của vụ trước, tiến hành bón vôi (vôi đá) để ổn định PH đất vì trong nước mưa có chứa axít khá cao từ những đợt mưa đầu mùa, làm cho đất đễ bị chua, do đó việc bón vôi cho đất trồng là rất cần thiết. Liều lượng vôi bột bón cho 1.000 m2 khoảng 50-70kg (tuỳ theo đất chua nhiều hay ít). Ngoài ra, trong vôi cung cấp canxi cho đất cần thiết cho cây rau sau này, một lợi ích nữa từ việc bón vôi là tiêu diệt nhộng sâu ăn tạp và nấm bệnh gây hại trong đất. Từ đó, làm giảm mật số sâu bệnh gây hại cho cây rau và dễ quản lý hơn.
- Cày ải, phơi đất khoảng 5-7 ngày, sau đó lên liếp cao để thoát nước tốt trong mùa mưa, chiều cao liếp khoảng 30-40 cm (tùy theo từng loại rau chịu nước nhiều hay ít mà lên liếp cao hay thấp hơn)
1.2. Trồng luân canh, xen canh
- Luân canh: trồng luân canh với cây khác họ với cây rau để cắt đứt vòng đời gây hại của sâu bệnh như một số loại cây: lúa, bắp,..
- Xen canh: trồng xen canh cây khác họ với cây trồng chính trên ruộng có tác dụng xua đuổi côn trùng gây hại như trồng cà chua xen với cải bắp, cải thảo, bông cải trắng, bông cải xanh,... sẽ hạn chế được sâu tơ gây hại trên bắp cải vì mùi cây cà chua có tác dụng xua đuổi thành trùng sâu tơ; trồng củ cải xen với dưa leo có tác dụng xua đuổi bọ cánh cứng... hoặc trồng xen với rau mùi (húng quế, hành, tỏi...) cũng có tác dụng xua đuổi côn trùng.
1.3. Gieo trồng đồng loạt, hạn chế xuống giống cuốn chiếu
Một trong những nguyên nhân sâu bệnh phát triển nhiều, từ vụ này sang vụ khác là do gieo trồng gối vụ giữa các ruộng rau liền kề, điều này rất khó quản lý và phòng trừ sâu bệnh vì thức ăn của chúng lúc nào cũng sẳn có trên ruộng. Nếu lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật về lâu dài sẽ làm cho sâu bệnh kháng thuốc và rất khó phòng trừ.
1.4. Chọn giống tốt, khỏe mạnh
Nên mua hạt giống có nguồn gốc rõ ràng từ những cơ sở cung cấp giống có uy tín. Trong mùa mưa, thiếu ánh sáng, khả năng quang hợp kém hơn mùa khô, do đó bà con nên chọn trồng các loại rau lá nhỏ, có bộ tán lá gọn, thời gian sinh trưởng ngắn, sớm cho thu hoạch như các loại: cải ngọt, rau muống,.. hoặc trồng những loại bò giàn: mướp, bầu, khổ qua,...
2. Biện pháp cơ học (thủ công)
Vào mùa mưa cỏ phát triển rất nhanh, vì vậy cần phải làm cỏ để hạn chế đến mức tối đa sự cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ với cây trồng đồng thời loại bỏ được nơi trú ngụ, ẩn nấp và nguồn lây lan của nấm bệnh, côn trùng gây hại cho rau.
Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, ngắt bỏ những lá già, lá bị sâu bệnh, cây bị bệnh và các tàn dư thực vật, thu gom để vào một khu vực sau đó mang đi tiêu hủy; bắt sâu bằng tay, ngắt bỏ ổ trứng mới nở, giết nhộng...
3. Biện pháp sinh học
3.1. Sử dụng chế phẩm sinh học
- Có rất nhiều nghiên cứu về các chế phẩm sinh học từ các Viện, trường và hiện nay đã được thương mại hoá và ứng dụng trong sản xuất như: Tricoderma hạn chế một số loại nấm bệnh trong đất; các loại nấm ký sinh côn trùng: Beauveria bassiana (nấm trắng), Metarhizium anisopliae (nấm xanh); Bacillus thuringiensis phòng trừ sâu ăn lá trên rau.
Việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ sâu bệnh mà không sử dụng thuốc hoá học sẽ giúp bảo vệ các loại thiên địch trên đồng ruộng và hạn chế ô nhiễm môi trường.
3.2. Sử dụng thuốc thảo mộc và thuốc sinh học
- Thuốc thảo mộc: có chứa các hoạt chất như Azadirachtin, Rotenone, Saponin, Matrine,... dược dùng phòng trừ, xua đuổi và gây ngán nhiều sâu hại trên rau.
- Các hoạt chất có nguồn gốc sinh học: Abamectin, Emamectin benzoate, Validamycin,...
3.3. Sử dụng bẫy pheromone và bẫy dính
- Sử dụng bẫy pheromone treo trên ruộng rau để thu hút con trưởng thành: Bẫy đặc biệt có hiệu quả đối với các loại sâu hại không thể phát hiện sớm bằng phương pháp thông thường như sâu khoang, sâu xanh bướm trắng, sâu tơ...
+ Cách đặt bẫy: Sử dụng lọ nhựa hoặc bát nhựa đã dùng một lần, có đường kính 18-22cm, buộc mồi pheromone (được cung cấp bởi Viện BVTV) vào dây thép, sau đó đổ nước 1/3 thể tích bát có pha thêm một ít xà phòng, xà phòng có tác dụng khi bướm bay vào bẫy, rơi xuống nước, sẽ bị bịt lỗ thở lại và chết rất nhanh.
+ Tùy từng loại rau mà chúng ta treo bẫy khác nhau. Đối với loại cây thấp như bắp cải, hành… đặt bẫy ở vị trí cao hơn bề mặt tán cây trên ruộng khoảng 20- 30cm. Đối với cây trồng như đậu leo giàn, cà chua, dưa leo… thì treo bẫy ở vị trí sát mặt giàn cây để tạo thuận lợi cho pheromone lan tỏa rộng.
+ Các loại mồi pheromone có hiệu quả hấp dẫn sâu hại trong thời gian ít nhất là 21-24 ngày, tùy theo điều kiện thời tiết và theo từng vùng thì tốt nhất thay mồi pheromone mới theo định kỳ 20 ngày kể từ ngày sử dụng. Chú ý đặt bẫy liên tục từ khi trồng đến khi thu hoạch sản phẩm. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra các bẫy để loại bỏ những con đã chết và bổ sung thêm nước xà phòng khi cần thiết.
- Sử dụng bẫy dính màu vàng, màu xanh dương để thu hút côn trùng: Một trong những biện pháp nhằm thu hút và tiêu diệt côn trùng có cánh: bướm, rầy mềm, bọ trĩ, bọ phấn trắng, ruồi đục trái... cách làm bẫy dính như sau:
Sử dụng các bẫy dính màu vàng, màu xanh dương được làm bằng tấm nhựa kích cở khoảng 21 x19 cm có bán trên thị trường hoặc có thể tận dụng vật liệu rẻ tiền sẳn có để làm bẫy như: bọc nilon màu vàng, màu xanh. Sau đó cố định tấm nhựa màu vào một cái cây gỗ (dài khoảng từ 0,4-1,5m, tuỳ vị trí cắm bẫy theo chiều cao của từng loại rau trên ruộng), tiếp đó sử dụng keo dán chuột quét vào hai mặt của tấm nhựa màu và đem cắm bẫy dính trên ruộng rau, số lượng đặt bẫy dính khoảng 25-30 bẫy/1.000m2 (khoảng 20 ngày sau khi đặt bẫy thì thay bẫy 1 lần). Vị trí đặt bẫy dính cách ngọn cây rau khoảng 20-40 cm tuỳ theo chiều cao của từng loại rau. Biện pháp sử dụng bẫy dính màu nhằm giúp nông dân theo dõi, đánh giá mật số gây hại của các loại côn trùng, từ đó có thể quyết định phun thuốc khi mật số côn trùng gây hại vượt ngưỡng gây hại kinh tế.
4. Biện pháp hoá học
- Trước khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh, cần thường xuyên điều tra ruộng để phát hiện sâu bệnh vượt qua ngưỡng gây hại kinh tế mà 3 biện pháp trên không điều hòa được thì lúc đó mới phun thuốc, ưu tiên các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc thảo mộc trước, nếu vẫn không diệt trừ được sâu bệnh thì mới sử dụng thuốc hóa học để phun.
- Khi sử dụng thuốc hóa học để phun trên rau, cần tuân thủ nguyên tắc "4 đúng", thời gian cách ly đối với từng loại thuốc để đảm bảo an toàn an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng các loại thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam trên cây rau.
Trồng rau trong mùa mưa, bà con nông dân cần chú ý theo dõi thông tin dự báo thời tiết và thăm đồng thường xuyên, đánh giá tình hình phát triển sâu bệnh. Từ đó, có thể chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây rau để đạt hiệu quả./.
Nguyễn Thanh Tùng
(Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố)