Ngày 15/2, tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ và Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức hội thảo sơ kết “Mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên lúa gạo xuất khẩu của Đồng bằng Sông Cửu Long” vụ Đông Xuân 2024 - 2025.
Nhằm góp phần triển khai thực hiện “Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp của 05 tỉnh thành (Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kiên Giang và Trà Vinh) của Đồng bằng sông Cửu Long triển khai. Bên cạnh đó, để có hướng sản xuất bền vững cần kết hợp nhiều cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp liên kết bao tiêu, tổ khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và thành viên nông dân liên kết, cửa hàng cung ứng vật tư đầu vào. Đồng thời kết hợp với Công ty Sài Gòn Kim Hồng, Công ty VinaRice để tổ chức thực hiện mô hình trình diễn.
Tại Cần Thơ, “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên lúa gạo xuất khẩu của Đồng bằng Sông Cửu Long” được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Cần Thơ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, Trạm Khuyến nông, Hợp tác xã Nông nghiệp Tiến Dũng, chính quyền địa phương cùng với các công ty và doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra, cửa hàng cung ứng vật tư đầu vào để tổ chức thực hiện mô hình trình diễn tại ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ.
Với mục tiêu: Sử dụng giống lúa cấp xác nhận có chất lượng tốt, phù hợp cơ cấu giống của địa phương, và nhu cầu xuất khẩu. Giảm lượng giống gieo sạ theo tập quán hiện tại từ 120 - 180 kg/ha xuống còn 40 - 70 kg/ha đối với lúa sạ cụm;
Kết hợp phương pháp sạ cụm với vùi phân để tăng hiệu quả sử dụng phân bón, đồng thời các loại phân bón chuyên dùng và phân hữu cơ được sử dụng trên lúa theo công thức phân bón của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền.
Áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để giảm sử dụng thuốc BVTV; quản lý dịch hại theo quy trình giải pháp Much More Rice vào trong sản xuất lúa; thực hiện kỹ thuật tưới nước ướt-khô xen kẻ để tiết kiệm nước và các kỹ thuật đồng bộ khác.
Tổ chức triển khai thực hiện mô hình tại địa điểm thực hiện mô hình ở ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Dũng cho biết: Vụ đông xuân 2024 - 2025 là lần đầu Hợp tác xã tham gia mô hình, sử dụng giống Đài Thơm 8 với lượng gieo sạ 70kg/ha, gieo sạ thưa, sử dụng giống đạt cấp xác nhận, áp dụng cơ giới và đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như "1 phải 5 giảm", quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tưới nước ngập - khô xen kẽ, sử dụng cơ giới trong gieo sạ, thu hoạch lúa và thu gom rơm. Các hộ dân thực hiện đúng 4 lần rút nước theo quy trình quản lý nước ngập - khô xen kẽ, giảm được phát thải khí nhà kính.
Sạ thưa, bón vùi phân và sử dụng phân bón chuyên dùng của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền giúp giảm được lượng phân đạm 69,5 kg N/ha so với đối chứng là 115,8 kg N/ha. Năng suất lúa trong mô hình đạt từ 9,33- 9,87 tấn/ha, cao hơn 0,18 - 0,52 tấn/ha so với ruộng đối chứng là 9,15. Lợi nhuận đạt khoảng 30 triệu đồng/ha, cao hơn từ 5,1 - 8,9 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết, Cần Thơ là một trong 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp) thực hiện dự án Khuyến nông Trung ương, cũng là địa phương thu hoạch lúa đầu tiên trong các mô hình thí điểm ở vụ Đông Xuân 2024 - 2025.
Mô hình này giúp nông dân giảm được giống từ 120kg/ha xuống còn 60 - 70kg/ha, kết hợp phương pháp sạ cụm với vùi phân để tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Mục tiêu cao nhất là giảm giá thành sản xuất lúa đến mức tối thiểu và giảm phát thải khí nhà kính.
Qua đánh giá, mô hình ở Cần Thơ đã giảm được chi phí từ 3 - 3,5 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống, lợi nhuận cao hơn từ 5,1 - 8,9 triệu đồng/ha. Đây là kết quả rất khả quan, bà con tin tưởng về phương thức canh tác mới này và sẽ được nhân rộng.
Trong quá trình triển khai mô hình diễn biến sâu bệnh chủ yếu xuất hiện ở giai đoạn đẻ nhánh đến trỗ.
Ruộng mô hình được áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp theo IPM, thăm đồng thường xuyên và không phun thuốc trừ sâu sớm trong 40 ngày đầu gieo sạ nên quản lý tốt được sâu bệnh hại nên giảm số lần phun thuốc BVTV từ 1-2 lần so với người dân bên ngoài mô hình. Từ đó giảm được chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Nguyễn Trọng Tuệ biên soạn và tổng hợp
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Cần Thơ