Cần Thơ – Chiều ngày 26 tháng 3 năm 2025, phái Đoàn Đại sứ quán Israel tại Việt Nam do Ngài Yaron Mayer, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Cơ sở 2 của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố, tọa lạc tại ấp Qui Long, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh. Chuyến thăm nhằm mục đích tìm hiểu thực tế mô hình hợp tác nghiên cứu và phát triển giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao giữa Tập đoàn Tiran (Israel) thông qua Công ty TNHH MTV New Horizon Việt Nam và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố.
Tiếp Đoàn có ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Cần Thơ, bà Trần Thị Tuyết Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố, cùng đại diện Công ty TNHH MTV New Horizon Việt Nam. Về phía Đại sứ quán Israel, cùng đi với Ngài Đại sứ Yaron Mayer có ông Chen Peretz, Tham tán Thương mại.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ Yaron Mayer đã bày tỏ sự vui mừng và ấn tượng trước hiệu quả của mô hình sản xuất cá giống tại cơ sở. Ngài Đại sứ đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp Israel (Tập đoàn Tiran) với Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ cũng như sự liên kết chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc nghiên cứu, phát triển các dòng cá mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Ông nhấn mạnh đây là một mô hình rất tốt, hy vọng sẽ tiếp tục được nhân rộng nhiều mô hình như thế và mong muốn Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ tạo điều kiện hợp tác với nhiều doanh nghiệp Israel hơn nữa.
Đại diện Tập đoàn Tiran, ông Lâm Quyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV New Horizon Việt Nam, đã giới thiệu về quá trình hoạt động tại Việt Nam từ năm 2010 và việc triển khai nghiên cứu giống tôm càng xanh và cá rô phi đơn tính từ năm 2012 với công nghệ từ Israel. Ông nhấn mạnh thành tựu trong việc phát triển công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính đực không qua xử lý hóa chất, giúp giảm chi phí, bảo vệ sức khỏe con người và đáp ứng tiêu chí nhân đạo. Đến nay, dự án đã chọn lọc được hơn 6.100 cá bố mẹ, sản xuất và cung cấp cho các đơn vị nuôi thử nghiệm gần 551.000 con giống rô phi các loại (trắng, đen chịu mặn tới 40‰, điêu hồng/rô phi đỏ) với tỷ lệ đực đạt 80% - 92% theo công nghệ mới. Công ty đang tiếp tục hoàn thiện quy trình để nâng tỷ lệ đơn tính đực lên mục tiêu 95% và có kế hoạch cung cấp 10 triệu con giống/năm, đồng thời phát triển chuỗi liên kết khép kín từ cá bố mẹ đến cá thương phẩm fillet xuất khẩu.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ, hoan nghênh chuyến thăm của Đoàn và khẳng định thành phố đánh giá rất cao việc ứng dụng công nghệ Israel trong nông nghiệp. Ông ghi nhận quá trình hợp tác với Tập đoàn Tiran từ năm 2016, dù trải qua những giai đoạn khó khăn nhưng đã cùng nhau vượt qua và đạt kết quả tốt đẹp như hiện nay. Sở Nông nghiệp và Môi trường cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các dòng cá này và mở rộng hợp tác ra các hệ sinh thái nước mặn, nước ngọt khác. Nhấn mạnh sự quan tâm, đánh giá rất cao vai trò của khoa học công nghệ của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, ông Nghiêm bày tỏ mong muốn Ngài Đại sứ và Tham tán Thương mại Israel hỗ trợ kết nối thêm các doanh nghiệp Israel đến Việt Nam chia sẻ mô hình, đầu tư phát triển các quy trình công nghệ tiên tiến.
Sau buổi làm việc, Đoàn đã trực tiếp tham quan các khu vực trại giống, quan sát các mẫu cá bố mẹ (rô phi trắng, đen, chịu mặn, điêu hồng), cá rô phi giống và cá thương phẩm được nuôi thử nghiệm từ công nghệ này. Các đặc điểm nổi bật như cá đơn tính đực, lớn nhanh, kích thước lớn, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp và khả năng thích nghi tốt với điều kiện Việt Nam đã được minh chứng rõ nét.
Chuyến thăm của Đại sứ Israel đã khẳng định mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao giữa Israel và thành phố Cần Thơ, mở ra những triển vọng mới cho việc phát triển bền vững ngành thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Phòng Sản xuất - TTDVNNTP