Tập huấn ngoài mô hình với chủ đề “Quy trình kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tập huấn nhân rộng mô hình cho người dân ngoài mô hình “Dự án xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của ĐBSCL”

Nằm trong khuôn khổ Dự án xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của ĐBSCL”, trong 2 ngày 29 – 30/5/2025 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố đã tổ chức lớp tập huấn ngoài mô hình với chủ đề “Quy trình kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại hội trường khách sạn Ngọc Lâm, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ với sự tham gia của 30 nông dân canh tác lúa tại 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai là 3 huyện tham gia đề án 01 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL. Lớp tập huấn bao gồm 1,5 ngày lý thuyết và 0.5 ngày tham quan thực tế tại Hợp tác xã Tiến Dũng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ đây là điểm xây dựng mô hình với quy mô 50 ha.

Tại lớp tập huấn, các học viên được các giảng viên giới thiệu tổng quan về dự án “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của Đồng bằng Sông Cửu Long”, kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải, quy trình ngập khô xen kẽ trong canh tác lúa, nhằm giúp nông dân trồng lúa thay đổi phương thức canh tác cũ, tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất từ đó tăng lợi nhuận, nâng cao giá trị lúa gạo. Ngoài ra, các học viên còn được đại diện công ty RIZE Việt Nam giới thiệu quy trình đặt ống theo dõi mực nước tại ruộng trong quy trình ngập khô xen kẽ, giúp học viên hiểu rõ hơn về quy trình này cũng như những lợi ích mà phương pháp này mang lại như: phương pháp này giúp giảm 30% lượng nước sử dụng, tăng năng suất và cắt giảm lượng khí thải metan. Đây là kỹ thuật đang được các chuyên gia chú trọng, bởi lúa được trồng trên những cánh đồng ngập nước truyền thống đã tạo điều kiện yếm khí lý tưởng cho vi khuẩn phát triển mạnh để phân hủy chất hữu cơ (chủ yếu là bã rơm rạ) và giải phóng khí metan , một trong những nguyên nhân chính gây hiệu ứng khí nhà kính và biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Tại buổi tham quan, đại diện HTX Tiến Dũng, báo cáo kết quả thực hiện tham gia đề án, hiện tại, cánh đồng tham gia mô hình đang phát triển tốt, mô hình đã áp dụng các kỹ thuật như: sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống (chỉ sử dụng 70 kg giống/ha); sử dụng phương pháp sạ cụm và kết hợp bón vùi phân; áp dụng quy trình canh tác ngập khô xen kẽ; áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp… Theo chia sẽ của ông Nguyễn Danh Dũng, đại diện HTX Tiến Dũng chia sẽ, hiện tại ruộng trong mô hình đã sắp thu hoạch, năng suất vụ này ước đạt trung bình 7,1 tấn/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng chỉ đạt 7,0 tấn/ha, nhưng chi phí đầu tư giảm 20-30% so với trước đây,  mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực cả về kinh tế lẫn môi trường, trong quá trình canh tác, các thành viên tham gia được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn áp dụng quy trình ngập khô xen kẽ 4 lần/vụ: Lần 1 từ 14-17 ngày sau sạ, lần 2 từ 30-39 ngày sau sạ, lần 3 từ 50-59 ngày sau sạ, lần 4 trước khi thu hoạch từ 10-15 ngày. Khi nước trong ruộng dưới 10-15 cm so với mặt ruộng mới cho nước vào. giúp tiết kiệm 40% lượng nước tưới.

Kết thúc 2 ngày tập huấn, các học viên đã được nâng cao về kiến thức chuyên môn, tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa giúp giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, từ đó tăng lợi nhuận, góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường, từ đó làm tiền đề để ứng dụng rộng rãi nhân rộng mô hình ra thực tiễn góp phần xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của Đồng bằng Sông Cửu Long.

 

                                                                               Bùi Thị Huyền Trang

                                                          Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP.Cần Thơ